Sau hơn 3 năm thực hiện, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thủ đô đã từng bước góp phần xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa tốt đẹp nơi công sở. Đây được coi là một nội dung quan trọng trong những nhiệm vụ trọng yếu của tiến trình đổi mới Thủ đô, đất nước và chỉ đạo triển khai bằng nhiều giải pháp thiết thực, bám sát thực tiễn đời sống.
Hà Nội đẩy mạnh thực hiện 2 quy tắc ứng xử của thành phố hình thành chuẩn mực văn hóa tốt đẹp.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các quy tắc ứng xử đã từng bước đi vào cuộc sống, có những tác động tích cực, được dư luận đồng tình, hưởng ứng, tự giác thực hiện. Các tiêu chí chấp hành pháp luật, sống nghĩa tình, nhân ái, vì mọi người, nói lời hay, làm việc tốt… được đề cao, tuyên truyền rộng rãi và có sức lan tỏa sâu rộng. Các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo", "Người tốt, việc tốt"… được thực hiện đều khắp trên địa bàn thành phố.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ các gia đình tổ chức hỏa táng cho người thân khi mất toàn thành phố đạt 60,85%. Việc thực hiện nếp sống mới trong việc cưới hỏi đã có những thay đổi rõ rệt. Về cơ bản, các đám cưới được tổ chức theo tiêu chí trang trọng, lành mạnh và tiết kiệm. Một số quận, huyện, thị xã thực hiện tốt việc cưới văn minh gồm: Quận Ba Đình đạt tỷ lệ 99,3%; quận Long Biên đạt tỷ lệ 98%; huyện Mỹ Đức đạt tỷ lệ 95%… Công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng có những chuyển biến rõ nét. Các hoạt động “buôn thần, bán thánh”, các hình thức cờ bạc, bói toán tại các lễ hội lớn cũng giảm nhiều.
Hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Tuy đạt được những thành tựu trên, song do tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học của Thủ đô tăng nhanh nên nếp sống văn hóa, văn minh đô thị chuyển biến còn chậm, văn hóa ứng xử và sinh hoạt nơi công cộng vẫn còn không ít hạn chế cần khắc phục. Vẫn tồn tại hành vi xả rác bừa bãi, nói tục, ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng; treo, dán quảng cáo rao vặt không đúng nơi quy định; chưa nghiêm túc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông
Theo ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, những tồn tại đó là do nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn hạn chế. Sự gương mẫu của cán bộ công chức, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý trong thực hiện quy tắc ứng xử có nơi chưa rõ nét.
Vì vậy, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện hai quy tắc ứng xử bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Trong đó, tập trung tuyên truyền tại nơi tập trung đông dân cư.
Quy tắc ứng xử nơi công cộng được đặt tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Mặt khác, Hà Nội sẽ thành lập đoàn kiểm tra thực hiện bộ quy tắc ứng xử; đồng thời, lồng ghép nội dung thực hiện quy tắc ứng xử vào nội dung phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm phát huy tốt hơn 2 bộ quy tắc kể trên.
Trong quá trình thực hiện tiếp tục phát huy thế mạnh của Đoàn, Hội, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền và đánh giá, nhân rộng các mô hình điểm trong tuyên truyền vận động thực hiện quy tắc ứng xử. Triển khai có hiệu quả cuộc thi phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt...
Các giải pháp này được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức chấp hành và trách nhiệm thực thi pháp luật của người dân Thủ đô.
Ivan Nguyen
Bài viết đóng góp, xin gửi về:
media@goldstar.com.vn