Ngày 23/9, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch Phùng Thị Hồng Hà chủ trì đã làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, Hội Nông dân Thành phố và Thành đoàn Hà Nội về việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố.
Đánh giá về việc thực hiện hai Bộ quy tắc ứng xử trong 3 năm qua, Trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình cho biết, 2 quy tắc ứng xử đã đi vào cuộc sống. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị về thực hiện nhiệm vụ được giao; sắp xếp, sử dụng thời gian làm việc khoa học, hiệu quả. Thái độ của cán bộ, công chức ở bộ phận “một cửa” UBND các xã, phường, thị trấn có sự thay đổi rõ rệt.
Trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng đã có nhiều mô hình đang phát huy hiệu quả và tích cực như: Mô hình chung cư văn hoá, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung; Mô hình xe tuyên truyền lưu động về ứng xử văn hoá, vệ sinh môi trường, chấp hành an toàn giao thông; Mô hình hướng dẫn nhân dân, tiểu thương khu phố cổ thân thiện với du khách, không chèo kéo, tăng giá, ép du khách sử dụng dịch vụ; Mô hình tuyên truyền cho tiểu thương giao tiếp thân thiện khi mua, bán hàng hoá, niêm yết giá, nguồn gốc sản phẩm, không sử dụng hoá chất độc hại…
Tuổi trẻ thị xã Sơn Tây ra quân tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Lê Kim Anh, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã sáng tạo, cụ thể hóa việc thực hiện quy tắc ứng xử thông qua phát động và triển khai cuộc vận động "Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp". Hội Nông dân thành phố, Thành đoàn Hà Nội quán triệt đoàn viên, hội viên các nội dung quy tắc ứng xử, góp phần xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị văn hóa và môi trường văn hóa.
Dù ghi nhận có chuyển biến tích cực, nhưng qua đợt khảo sát, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Thanh Bình cũng chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục. Các mô hình tuyên truyền hai bộ quy tắc ứng xử còn chưa sâu rộng, mới phổ biến ở hội nghị hoặc hội thi, do đó chưa có sự thẩm thấu trong nhân dân. Công tác kiểm tra giám sát với việc thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử còn chưa được thường xuyên, chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét.
Góp ý tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho rằng ngoài tổ chức kiểm tra việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cần tham mưu xây dựng các chế tài xử lý đối với trường hợp vi phạm gắn với các quy định cụ thể.
"Để triển khai các quy tắc ứng xử có chiều sâu, hiệu quả hơn nữa, cần nỗ lực chung của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động tại cơ quan, công sở, bệnh viện, trường học, các khu dân cư và ở những nơi công cộng. Thời gian tới, HĐND thành phố tiếp tục giám sát, khảo sát nội dung này", bà Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.
Tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử văn minh nơi công cộng.
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đề nghị thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền về nội dung của 2 Bộ quy tắc ứng xử trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mỗi quy tắc phải có các nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp và lồng ghép thực hiện các nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng vào hướng dẫn thực hiện nội dung phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Hình thành chuẩn mực văn hóa tốt đẹp, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, tại xã/phường, các tổ dân phố, mỗi gia đình và các tầng lớp nhân dân là nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển Thủ đô toàn diện và bền vững.
Ivan Nguyen
Bài viết đóng góp, xin gửi về:
media@goldstar.com.vn