Được tạo bởi Blogger.

Đoàn nghệ thuật Hát Bội - Cải Lương Tuồng Cổ Thanh Lệ tiếp lửa giới trẻ tìm đến Đờn Ca Tài Tử

Từ khi chúa Nguyễn mở rộng vùng đất phương Nam, hát bội xuôi thuyền từ miền Trung vào hậu phương nam. Suốt mấy trăm năm qua, hát bội đã in sâu vào tấm lòng của người dân Nam bộ.

Đoàn nghệ thuật Hát Bội - Cải Lương Tuồng Cổ Thanh Lệ tiếp lửa giới trẻ tìm đến Đờn Ca Tài Tử.

Trong những ngày lễ tết kỳ yên, thường được tổ chức trong mùa hội đình hay miếu mạo, tục lệ này nhằm để tôn vinh những anh hùng dân tộc, những người đã ngã xuống để mở rộng vùng đất Phương Nam trù phú. Trong đó, có những đoàn hát bội, gánh hát cải lương, sống cuộc đời gạo chợ nước sông, bên những chiếc ghe bầu tài nhất, tài nhì đem lời ca, tiếng hát đến vùng sâu, vùng xa, khắp các tỉnh thành miền tây sông nước.

Xuất thân của cô đào hát mà giới nghệ sĩ hát chầu, bầu đoàn, khán giả mộ điệu thường hay gọi với cái tên trìu mến là Thanh Lệ


Có cha là Ông Bầu Tốt, mẹ là nghệ sĩ Mỹ Cảnh, hai chị là nữ nghệ sĩ Chín Hên và nữ nghệ sĩ Lệ Huyền theo hát cải lương. Anh trai là NSƯT Công Khanh và NSƯT Linh Hiền là cháu trong gia đình học tộc hát bội. Hòa cùng trong dòng chảy nghệ thuật, một người con được sinh ra trong một gia đình có nền truyền thống theo nghề hát bội lúc bấy giờ đó là nghệ sĩ Thanh Lệ.

Hằng đêm, nữ nghệ sĩ Thanh Lệ được xem cha, mẹ và các anh chị hát những vai tuồng trên sân khấu, hòa với những tiếng kèn, tiếng trống của hát bội đã thấm sâu vào tâm trí của người con có dòng máu nghệ thuật.


Nữ nghệ sĩ Thanh Lệ thuộc thế hệ gia đình nghệ thuật hát bội cha truyền con nối, theo giới nghệ sĩ thường hay gọi với cái tên là "con nhà nòi". Thân phụ của NS Thanh Lệ là nghệ nhân hát bội Minh Tốt, cũng chính là người thầy đầu tiên dạy nữ NS Thanh Lệ tiếp cận với bộ môn nghệ thuật hát bội.

Năm 10 tuổi, cô đã chính thức bước lên sân khấu để theo nghề của gia đình, năm 20 tuổi cô bắt đầu hát cho những đoàn như Đoàn Tài Đức, Đoàn Phước Thành và Hội Phiến Lệ Cổ Ca. Hòa bình lập lại (1975), nữ NS Thanh Lệ bắt đầu tham gia vào Đoàn Nghệ Thuật Hát Bội Thành Phố, cho đến năm 1989 vì cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền nên nữ nghệ sĩ đã phải rời khỏi Đoàn Hát Bội Thành Phố để lo cho nền kinh tế gia đình được ổn định. Tuy nhiên, lửa yêu nghề vẫn cháy sáng trong tim, sau khi về, nữ nghệ sĩ vẫn tiếp tục hỗ trợ và tham gia với các đoàn hát bội như: Đoàn Minh Sen, Đoàn Ba Nhỏ, Đoàn Năm Móng, Đoàn Ngọc Khanh, Đoàn Hữu Lợi… cho mãi đến sau này nữ NS Thanh Lệ vẫn tiếp tục tham gia các đoàn cải lương hồ quảng như: Đoàn Phước Duyên, Đoàn Minh Ngọc, Đoàn Thu Ba, Đoàn Ngọc Long, Đoàn Lâm Tấn…

Trong suốt bao nhiêu năm hoạt động nghệ thuật, là bấy nhiêu thăng trầm trong nghiệp ca, diễn. Nhưng ngọn lửa nghề cháy âm ỉ trong tâm cảm của một người yêu nghệ thuật như cô chưa bao giờ vụt tắt.


Nữ NS Thanh Lệ luôn tri ân đến những người thầy, các bậc tiền bối đã dìu dắt mình trong sự nghiệp ca diễn hát bội. Người thầy đầu tiên cũng chính là thân phụ của mình (nghệ nhân hát bội Minh Tốt) ngoài ra, nữ nghệ sĩ còn được sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của các nghệ sĩ lớn như Má Năm Đồ, NS Thành Tôn, Cô Ba Út, Ông Mười Sự, Cô Kim Chắt, Ông Ba Kiên… Nhờ các bật tiền bối chỉ bảo và dìu dắt cộng thêm lòng yêu nghề và ham học hỏi nên ngày hôm nay đã đào tạo ra được một cô đào hát đầy bản lĩnh trên sân khấu. Các vai diễn thành công của NS Thanh Lệ được khán giả mộ điệu hát bội nói đến như vai Lưu Kim Đính (Lưu Kim Đính phá tứ môn), vai Thần Nữ (Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ) hoặc vai Phàn Lê Huê (Tiết Đinh San sa hồng thủy trận)…

Sự thành công bà ra đời của Đoàn Nghệ Thuật Hát Bội - Cải Lương Tuồng Cổ Thanh Lệ


Chính vì lòng yêu nghề, muốn giữ gìn nghiệp tổ và lưu truyền nghề hát của gia đình, và cũng chính vì đầy đủ bản lĩnh, tài đức về nghề nghiệp của mình nên nữ NS Thanh Lệ cùng chồng của mình là ông Nguyễn Văn Xanh quyết định để rồi ngày 25/5/2015, Công ty TNHH MTV Biểu Diễn Nghệ Thuật Ngọc Phụng, Đoàn Nghệ Thuật Hát Bội - Cải Lương Tuồng Cổ Thanh Lệ trực thuộc Sở Văn Hóa Thể Thao TP.HCM được ra đời. Giám đốc Đoàn là ông Nguyễn Văn Xanh, Trưởng Đoàn là NS Thanh Lệ.

Đoàn Nghệ Thuật Hát Bội - Cải Lương Tuồng Cổ Thanh Lệ lưu diễn khắp nơi, trước là phụng cúng cho các "Linh Thần", làm vui cho "Tổ Nghiệp", sau là phục vụ cho khác giả mộ điệu gần xa.


Để giữ gìn nghiệp tổ, để có lớp kế thừa bộ môn nghệ thuật sân khấu này, nữ NS Thanh Lệ đã bỏ ra hết tâm huyết để dạy dỗ cho các học trò của mình. Làm người đưa đò, đưa các học trò của mình sang bến bờ kia của dòng sông nghệ thuật, đã có nhiều thế hệ đi trước thành công, cho đến nay vẫn còn rất nhiều tần lớp trẻ cũng cùng chung một niềm đam mê bộ môn nghệ thuật sân khấu đã và đang tiếp tục học tập và trao dồi qua sự chỉ dạy tận tình và đầy nhiệt huyết của thầy mình NS Thanh Lệ.

Các thế hệ học viên trẻ như: Kim Phụng, Thành Nghĩa, Hoài Nam, Nhã Vy, Tú Như, Thanh Thảo, Hải Dương, NiSha, Thanh Quang, Thanh Hải… luôn được nữ NS Thanh Lệ dạy dỗ về sự "Tôn Sư Trọng Đạo", "Tôn Kính Tổ Nghiệp", luôn được thầy của mình nhắc nhở việc phải cố gắng trao dồi nghệ thuật. Bước ra sân khấu, dù là vai diễn lớn hay nhỏ cũng phải cố gắng làm tròn vai diễn của mình, dù cho đóng vai "quân sỹ" hay "tỳ nữ" thì cũng phải sắm tuồng cho đẹp, cho sáng sân khấu, đó chính là tôn trọng nghiệp tổ, tôn trọng khán giả và cũng là tôn trọng chính bản thân mình và nghệ sĩ đồng nghiệp.


Ở tuổi 60 hơn, đã 50 năm giữ gìn nghiệp tổ, giữ gìn cái nghề cha truyền con nối, một đời người cống hiến công sức vì nghiệp diễn, từ thăng trầm đến bước thăng hoa, chỉ mong rằng các thệ sau này vẫn tiếp tục giữ gìn và phát triển bộ môn nghệ thuật sân khấu, hãy xem đó như một tài sản, hãy xem đó nhưng một điều tốt đẹp nhất mà ông trời đã ban cho những con người yêu và làm nghệ thuật như chúng ta.

Ivan Nguyen
Bài viết đóng góp, xin gửi về: media@goldstar.com.vn